Hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho là quá trình ghi nhận sự giảm giá giá trị của hàng tồn kho trong báo cáo tài chính. Quá trình này thường áp dụng khi giá trị thực tế của hàng tồn kho thấp hơn giá trị ghi nhận ban đầu trong sổ sách. Hạch toán dự phòng này giúp tái hiện mức độ thực tế của giá trị hàng tồn kho trong tài sản của công ty. Cùng POS365 tìm hiểu chi tiết các nguyên tắc cụ thể trong bài viết này.
1. Nguyên tắc dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Nguyên tắc dự phòng giảm giá hàng tồn kho được quy định như sau:
Nguyên tắc dự phòng giảm giá hàng tồn kho
a) Doanh nghiệp trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập khi có những bằng chứng tin cậy về sự suy giảm của giá trị thuần có thể thực hiện được so với giá gốc của hàng tồn kho. Dự phòng là khoản dự tính trước để đưa vào chi phí sản xuất, kinh doanh phần giá trị bị giảm xuống thấp hơn giá trị đã ghi sổ kế toán của hàng tồn kho và nhằm bù đắp các khoản thiệt hại thực tế xảy ra do vật tư, sản phẩm, hàng hóa tồn kho bị giảm giá.
b) Dự phòng giảm giá hàng tồn kho được lập vào thời điểm lập Báo cáo tài chính. Việc lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải được thực hiện theo đúng các quy định của Chuẩn mực kế toán “Hàng tồn kho” và quy định của chế độ tài chính hiện hành.
c) Việc lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải tính theo từng loại vật tư, hàng hóa, sản phẩm tồn kho. Đối với dịch vụ cung cấp dở dang, việc lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải được tính theo từng loại dịch vụ có mức giá riêng biệt.
d) Giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho là giá bán ước tính của hàng tồn kho trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường trừ (-) chi phí ước tính để hoàn thành sản phẩm và chi phí ước tính cần thiết cho việc bán chúng.
đ) Khi lập Báo cáo tài chính, căn cứ vào số lượng, giá gốc, giá trị thuần có thể thực hiện được của từng loại vật tư, hàng hoá, từng loại dịch vụ cung cấp dở dang, xác định khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập:
– Trường hợp khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập ở cuối kỳ kế toán này lớn hơn khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đang ghi trên sổ kế toán thì số chênh lệch lớn hơn được ghi tăng dự phòng và ghi tăng giá vốn hàng bán.
– Trường hợp khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập ở cuối kỳ kế toán này nhỏ hơn khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đang ghi trên sổ kế toán thì số chênh lệch nhỏ hơn được hoàn nhập ghi giảm dự phòng và ghi giảm giá vốn hàng bán.
>>Xem thêm: Tổng hợp mẫu biên bản kiểm kê hàng tồn kho thông tư 133 và thông tư 200
2. Quy định hàng tồn kho trong doanh nghiệp
Hàng tồn kho trong doanh nghiệp được quy định như sau:
Quy định hàng tồn kho trong doanh nghiệp
-
Hàng mua đang đi trên đường;
-
Nguyên liệu, vật liệu (trừ vật tư, thiết bị, phụ tùng thay thế có thời gian dự trữ trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường);
-
Công cụ, dụng cụ;Sản phẩm dở dang (trừ sản phẩm có thời gian sản xuất, luân chuyển vượt quá một chu kỳ kinh doanh thông thường);
-
Thành phẩm, hàng hoá; hàng gửi bán;
-
Hàng hoá được lưu giữ tại kho bảo thuế của doanh nghiệp (gồm cả hàng tồn kho bị hư hỏng, kém mất phẩm chất, lạc hậu mốt, lạc hậu kỹ thuật, lỗi thời, ứ đọng, chậm luân chuyển).
>>Xem thêm: Mẫu biên bản xác nhận hàng hóa bị hỏng mà bạn cần biết
3. Cách hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Phần này đề cập đến vấn đề hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo thông tư 200 và thông tư 133.
3.1. Cách hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho (HTK) theo thông tư 200
Để áp dụng cách hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo thông tư 200, các bạn cần chú ý các nội dung như sau:
Cách hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho (HTK) theo thông tư 200
Tài khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho (HTK)
Tài khoản 229 phản ánh dự phòng tổn thất tài sản. Tài khoản cấp 2 của tài khoản này hạch toán tài khoản 2294: Dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Theo thông tư 200, TK 2294 phản ánh tình hình trích lập hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá của hàng tồn kho (HTK).
Kế cấu của tài khoản 229 gồm các phần:
-
Bên nợ: Hoàn nhập phần chênh lệch giữa số dư dự phòng tổn thất tài sản phải lập của kỳ này nhỏ hơn kỳ trước chưa sử dụng hết. Hoặc phần giá trị tổn thất tài sản được bù đắp.
-
Bên có: Trích lập các khoản dự phòng phản ánh tổn thất tài sản (tại thời điểm lập báo cáo).
-
Số dư bên có chính là số dự phòng tổn thất tài sản hiện có (thời điểm cuối kỳ kế toán).
Cách thực hiện hạch toán dự phòng
Kế toán viên chú ý đến 4 trường hợp có thể xảy ra như sau:
Trường hợp 1: Số dư dự phòng giảm giá HTK phải lập tại kỳ lớn hơn các kỳ trước. Lúc này trích lập bổ sung phần chênh lệch được ghi cụ thể như sau:
-
Nợ TK 632 (Tài khoản giá vốn hàng bán)
-
Có TK 2294 (Phản ánh dự phòng giảm giá hàng tồn kho).
Trường hợp 2: Số dư dự phòng giảm giá HTK phải lập tại kỳ nhỏ hơn số dư dự phòng đã trích lập các kỳ trước. Lúc này hoàn nhập bổ sung phần chênh lệch được ghi cụ thể như sau:
-
Nợ TK 2294 (Tài khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho).
-
Có TK 632 (Tài khoản giá vốn hàng bán)
Trường hợp 3: Xử lý dự phòng HTK bị hết hạn sử dụng, hư hỏng, không còn giá trị như sau:
-
Nợ TK 2294 (Dự phòng giảm giá hàng tồn kho với số được bù đắp bằng mức dự phòng).
-
Nợ TK 632 (Tài khoản giá vốn hàng bán khi tổn thất cao hơn mức lập dự phòng).
-
Có TK 152, 153, 155, 156.
Trường hợp 4: Xử lý khoản dự phòng HTK khi có sự dịch chuyển từ doanh nghiệp vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Lúc này, sau khi bù đắp khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho còn tăng vốn nhà nước thì kế toán ghi như sau:
-
Nợ TK 2294 (Dự phòng giảm giá hàng tồn kho).
-
Có TK 411 (Vốn đầu tư chủ sở hữu).
>>Xem thêm: Hướng dẫn quy trình kiểm kê hàng hóa chi tiết, hiệu quả
3.2. Cách hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo thông tư 133
Để áp dụng cách hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo thông tư 133, các bạn cần chú ý các nội dung như sau:
Cách hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo thông tư 133
Tài khoản dự phòng giảm giá HTK
Tài khoản phản ánh mức dự phòng tổn thất tài sản là TK 229 với tài khoản cấp 2 là TK 2294 Dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Đây là tài khoản phản ánh chi tiết tình hình trích lập hay hoàn nhập dự phòng của mức giảm giá HTK.
Hạch toán dự phòng hàng tồn kho theo thông tư 133 BTC
Tài khoản 229 (Dự phòng tổn thất tài sản) có kế cấu gồm các phần sau đây:
-
Bên nợ phản ánh mức hoàn nhập chênh lệch giữa số dư dự phòng tổn thất tài sản phải nhập của kỳ này nhỏ hơn số đã trích lập kỳ trước chưa dùng hết. Hoặc thể hiện phần bù đắp giá trị tổn thất của tài sản từ số dư dự phòng được trích lập.
-
Bên có phản ánh trích lập các khoản dự phòng tổn thất tài sản tại thời điểm kế toán tiến hành lập BCTC.
-
Số dư bên có chính là số dư dự phòng tổn thất tài sản ở cuối kỳ kế toán.
Cách thực hiện hạch toán dự phòng
Kế toán thực hiện hạch toán khi xảy ra các trường hợp như: Số dư dự phòng giảm giá hàng tồn kho kỳ này lớn hơn hoặc nhỏ hơn số đã trích lập của các kỳ trước.
Khi số dư lớn hơn, kế toán ghi nhận:
-
Nợ TK 632: Phần chênh lệch giữa (Số dư dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này) và (Số dư đã trích lập từ các kỳ trước).
-
Có TK 2294: Phần chênh lệch giữa (Số dư dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này) và (Số dư đã trích lập từ các kỳ trước)
Khi số dư nhỏ hơn, kế toán ghi nhận:
-
Nợ TK 2294: Phần chênh lệch giữa (Số dư dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này) và (Số dư đã trích lập từ các kỳ trước).
-
Có TK 632: Phần chênh lệch giữa (Số dư dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này) và (Số dư đã trích lập từ các kỳ trước).
>>Xem thêm: Cách quản lý hàng tồn kho chính xác hiệu quả
Như vậy, POS365 vừa cùng các bạn tìm hiểu cách hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho được quy định hiện nay. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các bạn thêm nhiều kiến thức bổ ích.