SaaS là gì là từ khóa được rất nhiều người dùng tìm kiếm. Thực chất, SaaS (Software as a Service) là mô hình phần mềm chạy trên nền tảng đám mây, cung cấp qua Internet, giúp doanh nghiệp sử dụng linh hoạt mà không cần đầu tư hạ tầng phức tạp. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng SaaS trong quản trị nhân sự, bán hàng, tài chính để tăng hiệu quả và giảm chi phí vận hành. Để tìm hiểu chi tiết hơn về mô hình này, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
1. SaaS là gì?
SaaS (Software as a Service) là hình thức cung cấp phần mềm qua nền tảng đám mây, nơi người dùng truy cập trực tuyến sau khi trả một khoản phí định kỳ.
Khác với các phần mềm truyền thống yêu cầu tải xuống và cài đặt, SaaS cho phép người dùng truy cập phần mềm ngay từ trình duyệt web mà không cần thực hiện các thao tác phức tạp.
Lấy một ví dụ để bạn dễ hiểu, khi sử dụng Netflix để xem phim. Thay vì mua hoặc tải về từng bộ phim, bạn chỉ cần đăng nhập tài khoản và có thể xem trực tiếp trên nền tảng này. Đây chính là cách SaaS vận hành - đơn giản và vô cùng tiện lợi.
SaaS có nhiều ứng dụng trong đời sống, từ các nền tảng giải trí cá nhân như Netflix, đến những công cụ công nghệ thông tin tiên tiến. Hơn thế nữa, SaaS được thiết kế để phục vụ cả doanh nghiệp (B2B) và người tiêu dùng cá nhân (B2C).
2. Xu hướng hội nhập của mô hình SaaS trên toàn thế giới
Các phần mềm được phát triển trên mô hình SaaS ngày càng phổ biến. Chúng ta có thể liệt kê một vài cái tên nổi trội như như Google Workspace, Dropbox, Slack hay các công cụ sáng tạo của Adobe Creative Cloud đều là những minh chứng rõ nét nhất về sự phổ biến của mô hình SaaS.
Ngoài ra, các nhà cung cấp hàng đầu như Amazon Web Services (AWS), Microsoft Azure, Oracle, IBM, và ServiceNow cũng đã xây dựng những nền tảng SaaS mạnh mẽ, phục vụ nhu cầu của cả cá nhân và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Có thể thấy, SaaS gần như đã chiếm lĩnh vị trí top đầu trong thị trường công nghệ hiện đại, trở thành “xương sống” cho các hoạt động số hóa.
Trong báo cáo “Thị trường phần mềm dịch vụ: Công nghệ và thị trường toàn cầu đến năm 2022” do BCC Research công bố, ngành công nghiệp dựa trên mô hình SaaS được định giá 44,4 tỷ USD vào năm 2017. Ước tính con số đó vào năm 2022 sẽ đạt mức 94,9 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) lên tới 16,4%. Đây là con số vô cùng ấn tượng, cho thấy sự tiềm năng của ngành dịch vụ phần mềm này.
Theo số liệu thống kê từ BCC Research, vào năm 2017, trung bình mỗi doanh nghiệp trên thế giới sử dụng khoảng 16 phần mềm SaaS. Con số này có sự biến thiên lớn khi các doanh nghiệp lớn mở rộng quy mô và các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận ra lợi ích của SaaS trong việc tối ưu chi phí và tăng hiệu quả làm việc.
Ngoài các công cụ truyền thống như CRM (quản lý quan hệ khách hàng) hay ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp), các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thương mại điện tử và sản xuất cũng đang dần áp dụng mô hình SaaS. Điều này càng chứng tỏ, SaaS không chỉ phù hợp với ngành công nghệ mà còn len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống.
Mô hình SaaS tạo nên làn sóng mạnh mẽ tại Việt Nam và thế giới
3. Những ưu điểm của SaaS là gì?
SaaS đang trở thành xu hướng phổ biến nhờ tính tiện lợi và hiệu quả. Vậy những ưu điểm của SaaS là gì mà khiến doanh nghiệp không thể bỏ qua?
Khả năng truy cập
SaaS cho phép người dùng truy cập nhanh chóng mà không cần cài đặt phức tạp. Chỉ cần một trình duyệt và kết nối Internet, bạn có thể sử dụng phần mềm mọi lúc, mọi nơi. Điều này thực sự hữu ích, đặc biệt khi bạn cần làm việc linh hoạt trên nhiều thiết bị như laptop, điện thoại, hay tablet.
Khả năng cập nhật
Vì chạy trên điện toán đám mây, các nhà cung cấp SaaS có thể tung ra bản cập nhật ngay lập tức mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động của người dùng. Đặc biệt, các bản vá bảo mật cũng được triển khai nhanh chóng, giúp hệ thống của bạn luôn an toàn trước những nguy cơ tiềm ẩn.
Những ưu điểm nổi bật của SaaS
Phần cứng
Mọi xử lý dữ liệu diễn ra trên điện toán đám mây, bạn không cần đầu tư thêm vào máy chủ hay thiết bị đắt đỏ. Hơn nữa, SaaS còn cho phép bạn linh hoạt mở rộng hoặc thu hẹp quy mô chỉ bằng cách nâng cấp gói dịch vụ. Đối với các doanh nghiệp, đây không chỉ là giải pháp tiết kiệm mà còn giúp thích nghi nhanh chóng với những thay đổi trong tương lai.
Công nghệ lưu trữ
Dữ liệu là tài sản quý giá của doanh nghiệp, và việc bảo vệ chúng là ưu tiên hàng đầu. Mô hình SaaS đảm bảo cho bạn điều đó. Thay vì lưu trữ dữ liệu cục bộ trên máy tính - nơi luôn rình rập những rủi ro về rò rỉ thông tin, SaaS sử dụng công nghệ lưu trữ đám mây. Điều này đảm bảo mọi thông tin đều được sao lưu và cập nhật liên tục. Chẳng may một thiết bị bị mất hoặc gặp sự cố, bạn chỉ cần vài bước đơn giản là có thể khôi phục dữ liệu trên đám mây..
Dữ liệu và phân tích
Với ứng dụng SasS người dùng có thể dễ dàng truy cập vào những công cụ báo cáo trực quan. Nhờ đó, bạn có thể thu thập dữ liệu và phân tích những thông tin có giá trị về doanh nghiệp. Nhờ đó giúp bạn hiểu rõ hơn về hoạt động hiện tại, đồng thời hỗ trợ tối ưu hóa quy trình làm việc, tiết kiệm nguồn nhân lực và nâng cao hiệu suất một cách hiệu quả.
Tham khảo thêm thông tin hữu ích tại: Công ty POS365
4. Một số hạn chế của các ứng dụng SaaS
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích vượt trội, mô hình này vẫn tồn tại một số hạn chế, cụ thể như sau:
Bảo mật hệ thống
SaaS giúp bạn làm việc nhanh chóng và tiện lợi, nhưng câu hỏi đặt ra là: Dữ liệu của bạn có thực sự an toàn không?
Vì dữ liệu được lưu trữ trên máy chủ của nhà cung cấp và hoạt động trên "đám mây", người dùng đôi khi cảm thấy bất an trước nguy cơ bị rò rỉ hoặc tấn công. Các nhà cung cấp SaaS đã không ngừng nâng cao bảo mật để giảm thiểu rủi ro này, nhưng cảm giác mất kiểm soát dữ liệu vẫn khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khi sử dụng..
Phụ thuộc vào kết nối Internet
Nếu không có Internet, bạn sẽ không thể truy cập vào phần mềm SaaS và trong trường hợp bạn cần hoàn thành bản báo cáo gấp khi đang lưu trú ở vùng không có mạng thì điều này là không thể. Đây được coi là một điểm trừ lớn trong đánh giá của hầu hết các doanh nghiệp.
Tự động cập nhật phiên bản mới
Tự động cập nhật phần mềm có thể là một con dao hai lưỡi. Việc giao diện thay đổi hoặc tính năng mới xuất hiện đôi khi khiến người dùng bất ngờ. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp của bạn chưa kịp đào tạo nhân viên làm quen, dẫn đến quá trình làm việc có thể bị gián đoạn trong thời gian ngắn.
5. SaaS hoạt động như thế nào?
SaaS (Software as a Service) hoạt động dựa trên mô hình phân phối đám mây, nơi các ứng dụng và dữ liệu được lưu trữ. Chúng được quản lý bởi nhà cung cấp phần mềm hoặc một bên thứ ba chuyên về hạ tầng đám mây. Các nhà cung cấp sử dụng tài nguyên như máy chủ, cơ sở dữ liệu, mạng và hệ thống máy tính để vận hành ứng dụng. Điều này giúp người dùng có thể truy cập ứng dụng từ bất kỳ thiết bị nào có kết nối internet, thông qua trình duyệt web.
SaaS hoạt động dựa trên mô hình phân phối đám mây
SaaS có mối liên hệ chặt chẽ với các mô hình ASP (Application Service Provider) và On-Demand Computing Software. Với những mô hình này, nhà cung cấp dịch vụ không chỉ lưu trữ phần mềm trên hạ tầng của mình mà còn chịu trách nhiệm phân phối nó đến người dùng cuối qua internet. Tuy nhiên, SaaS đã phát triển vượt xa ASP nhờ vào khả năng tích hợp chuyên sâu hơn, hỗ trợ đa người dùng và vận hành linh hoạt trên quy mô lớn.
Ngoài ra, tùy thuộc vào Service Level Agreement (SLA) – thỏa thuận cấp độ dịch vụ giữa nhà cung cấp và khách hàng, dữ liệu có thể được lưu trữ tại chỗ, trên đám mây hoặc kết hợp cả hai. Điều này mang lại sự linh hoạt trong việc quản lý dữ liệu, phù hợp với nhu cầu riêng của từng doanh nghiệp.
6. Một số ứng dụng SaaS tại Việt Nam
Tại Việt Nam, SaaS đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp. Dưới đây là một số ứng dụng tiêu biểu của SaaS tại thị trường Việt.
-
Tích hợp vào doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs): Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang áp dụng SaaS để giảm thiểu chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT, đồng thời nâng cao hiệu suất làm việc và tối ưu hóa quy trình kinh doanh.
-
Cải thiện quản lý và vận hành: SaaS ngày càng trở nên phổ biến trong các nghiệp vụ như quản lý dự án, quản lý nhân sự, kế toán và CRM (Quản lý quan hệ khách hàng), giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả quản lý, tối ưu hóa nguồn lực và thúc đẩy giao tiếp nội bộ.
-
Thúc đẩy thương mại điện tử và marketing: Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam đã khiến các nền tảng SaaS như Shopify, WooCommerce (tích hợp với WordPress) và Mailchimp trở thành lựa chọn hàng đầu. Những giải pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp nhanh chóng thiết lập và vận hành cửa hàng trực tuyến mà còn hỗ trợ triển khai các chiến dịch marketing hiệu quả, tối ưu hóa khả năng tiếp cận khách hàng và nâng cao hiệu suất kinh doanh.
-
Hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ: SaaS cung cấp một nền tảng linh hoạt và tiết kiệm chi phí cho các startup, loại bỏ gánh nặng đầu tư vào hạ tầng phức tạp. Các công ty khởi nghiệp có thể nhanh chóng triển khai các giải pháp như quản lý nhân sự, kế toán hoặc thương mại điện tử mà không cần xây dựng từ đầu. Ngoài ra, SaaS còn giúp startup dễ dàng tiếp cận khách hàng, thử nghiệm sản phẩm, mở rộng quy mô và thậm chí vươn ra thị trường quốc tế với tốc độ nhanh chóng.
-
Giáo dục và đào tạo trực tuyến: Các nền tảng học trực tuyến như Zoom, Google Classroom, hay hệ thống quản lý học tập (LMS) đã trở thành công cụ không thể thiếu cho giáo viên và học sinh. Từ việc dạy học trực tuyến đến quản lý lớp học, SaaS mang lại một trải nghiệm học tập hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí.
-
Sự chấp nhận từ chính phủ: Nhiều cơ quan nhà nước đang tích cực triển khai các giải pháp SaaS trong giáo dục, y tế, và hành chính công giúp cải thiện hiệu quả làm việc, tăng cường sự minh bạch và nâng cao chất lượng dịch vụ công.
SaaS được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề
7. Một số câu hỏi thường gặp
Câu 1: SaaS được áp dụng trong doanh nghiệp như thế nào?
SaaS giúp doanh nghiệp sử dụng phần mềm mà không cần cài đặt hay đầu tư hạ tầng, hỗ trợ quản lý nhân sự, tài chính, thương mại điện tử, và marketing hiệu quả.
Câu 2: Làm sao để lựa chọn giải pháp SaaS phù hợp với doanh nghiệp?
Khi lựa chọn một giải pháp SaaS, đòi hỏi doanh nghiệp cần xem xét đến yếu tố như nhu cầu thực tế, tính năng của sản phẩm, mức độ bảo mật, chi phí dịch vụ cùng khả năng tích hợp với các ứng dụng đang sử dụng.
Câu 3: Làm thế nào để đảm bảo dữ liệu an toàn khi dùng SaaS?
Doanh nghiệp cần chọn nhà cung cấp uy tín, sử dụng các tính năng bảo mật tích hợp, quản lý quyền truy cập chặt chẽ và thường xuyên sao lưu dữ liệu để đảm bảo an toàn khi dùng SaaS.
Câu 4: SaaS có khả năng tích hợp với các hệ thống sẵn có không?
Có, các nền tảng SaaS thường hỗ trợ tích hợp với các hệ thống hiện có thông qua các API (giao diện lập trình ứng dụng mở), cho phép trao đổi và đồng bộ dữ liệu một cách thuận tiện và hiệu quả.
Câu 5: Chi phí của SaaS so với phần mềm truyền thống như thế nào?
Mô hình SaaS mang lại sự linh hoạt hơn về chi phí, với hình thức trả phí định kỳ dựa trên gói dịch vụ mà người dùng chọn. So với phần mềm truyền thống, SaaS giảm đáng kể chi phí cơ sở hạ tầng, nhưng trong dài hạn, chi phí có thể cao hơn do phải trả phí đều đặn.
Với khả năng linh hoạt, dễ triển khai và tích hợp, SaaS đã trở thành giải pháp hàng đầu được nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn, từ các công ty khởi nghiệp đến những tập đoàn lớn. Trong tương lai, các mô hình SaaS sẽ ngày càng phát triển, giúp con người vận hành và làm việc dễ dàng, hiệu quả hơn. Vì vậy, hiểu rõ về SaaS là gì và ứng dụng của nó trong doanh nghiệp là bước đi cần thiết để bắt kịp xu thế công nghệ số và không bị bỏ lại phía sau.